Lối thoát duy nhất cho ngành điều Việt Nam

Giải pháp để vực dậy ngành điều xuất khẩu Việt Nam trong thời điểm này, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho rằng: lỗi thoái duy nhất hiện nay chỉ là… chế biến sâu.

Ảnh minh họa

Theo ông Thanh, xuất khẩu hạt điều năm nay chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn vì nhiều nguyên nhân. Đã có một số doanh nghiệp than rằng lượng hạt điều tồn kho trong nước năm nay ít, biên độ mùa vụ bị kéo dài do hiện tượng nắng hạn dẫn tới tình trạng nhiều nhà máy chỉ đủ nguyên liệu sản xuất tới hết tháng 2 và sẽ thiếu trầm trọng trong các tháng 3, 4, 5. Trong khi đó, việc nhập khẩu hạt điều thô cũng tiềm tàng nhiều rủi ro, nhất là đối với thị trường Bờ Biển Ngà và Châu Phi nhiều khi hợp đồng đã ký nhưng đối tác không chịu giao hàng.

Không chỉ khó khăn trong nguyên liệu, năm 2016, phía Hoa Kỳ sẽ áp dụng Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA) đối với xuất khẩu hạt điều của Việt Nam. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?

- Đúng là Hoa Kỳ đang siết chặt hơn vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Theo trích dẫn báo cáo của Chủ tịch Hiệp hội FDA tại một hội nghị mới đây tại Dubai thì sản phẩm hạt điều của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ gặp 34 lỗi, cao hơn Ấn Độ 2 lỗi. Từ đó, phía Mỹ đánh giá chất lượng và ATVSTP của Việt Nam chỉ ở mức trên trung bình. Trong khi Brasil ở mức khá, Ấn Độ mức trung bình.

Tuy nhiên, có một câu chuyện khác là những nhà bán buôn, bán lẻ, hay nhà nhập khẩu của Mỹ cho rằng không thể không mua điều của Việt Nam vì suy cho cùng bây giờ sản lượng điều chế biến của Ấn Độ vẫn thấp hơn Việt Nam, đạt khoảng 1,2 triệu tấn và chủ yếu tiêu thụ trong nước, trung bình một năm chỉ xuất khẩu tầm 100.000 tấn. Từ đó, họ đã đưa ra một đạo luật mới sẽ được áp dụng trong năm nay, chủ yếu nhấn mạnh vào yếu tố truy suất nguồn gốc. Người Mỹ cũng cho rằng, hạt điều của Việt Nam lẫn nhiều tạp chất và màu sắc không đồng đều. Lý do họ đưa ra là chúng ta có quá nhiều nhà máy chế biến nhỏ lẻ, tăng từ 345 lên 371 nhà máy chế biến hạt điều chỉ trong vòng 1 năm qua dẫn tới tình trạng lộn xộn trong khâu chế biến nên hạt điều của Việt Nam không được đều, bắt mắt như của Brasil. Tại Brasil với sản lượng tầm 150.000 tấn/năm nhưng chỉ có khoảng 8 doanh nghiệp chuyên về chế biến hạt điều.

Hoa Kỳ đưa ra đạo luật này cũng nhằm mục đích buộc các nhà sản xuất phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa nguồn gốc xuất xứ hạt điều và vấn đề VSATTP.

Vậy doanh nghiệp Việt sẽ phải đối phó ra sao?

- Đạo luật FSMA cần phải hiểu theo một nghĩa tích cực hơn. Tôi cho rằng, FSMA đối với hạt điều là một giải pháp tốt cho việc nâng cao chất lượng và VSATTP của hạt điều Việt Nam. Trước giờ chúng ta cũng đã có Thông tư 75/2009/TT- BNN PTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về quy định bảo đảm VSATTP cho các cơ sở chế biến nhưng khi Vinacas và Bộ đi kiểm tra phát hiện rất nhiều doanh nghiệp chế biến không đạt tiêu chuẩn. Điều đáng nói là doanh nghiệp chậm khắc phục và sau mỗi kỳ kiểm tra xong lại đâu hoàn đấy nên không giải quyết được vấn đề! Còn khi có đoàn khảo sát, đánh giá của các đối tác Hoa Kỳ sang thì hầu như các doanh nghiệp đều cố gắng đạt chỉ tiêu họ đưa ra. Ví dụ: Năm ngoái, có đoàn chuyên gia từ Hoa Kỳ sang Việt Nam đánh giá 15 doanh nghiệp chế biến điều thì tất cả đều đạt.

 

Việt Nam mới chỉ có 22 doanh nghiệp chế biến đạt tiêu chuẩn ISO, chứng chỉ HACCP trong khi Việt Nam có tới 371 đầu mối, doanh nghiệp tham gia chế biến.

 

Đó là cách đối phó của doanh nghiệp đối với đạo luật của Mỹ, giải pháp dài hơi để xuất khẩu điều ổn định và phát triển theo ông là gì?

- Giải pháp tốt nhất giúp ngành điều Việt Nam tồn tại và phát triển là chúng ta phải chuyển từ việc cạnh tranh mua bán giá rẻ sang cạnh tranh về mặt chất lượng và giá thành cao. Thực tế, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam cũng đã nhận ra điều này và họ đang có bước chuyển hướng rất rõ rệt. Hiện nay, các doanh nghiệp điều Việt Nam bán giá cao và giá rẻ đang chênh lệch nhau đến 0,5 USD/1kg (11.000 đồng/1kg). Điều đáng nói là, tới nay, Việt Nam mới chỉ có 22 doanh nghiệp chế biến đạt tiêu chuẩn ISO, chứng chỉ HACCP trong khi Việt Nam có tới 371 đầu mối, doanh nghiệp tham gia chế biến.

Việt Nam chỉ còn có một cửa duy nhất là phải gia tăng chế biến sâu. Cũng xin chia sẻ thêm là, trong một hội nghị tại Dubai cuối 2015, một doanh nghiệp nói rằng: Trong năm 2015, riêng doanh nghiệp của ông ta đã mua của Việt Nam 150 container (loại 20 tấn/1container) để bán tại Trung Quốc mà Vinacas không hề biết thông tin gì. Đại diện doanh nghiệp này cũng chia sẻ là hạt điều chế biến sâu tức loại điều rang muối còn vỏ bán rất mạnh tại Trung Quốc.

Thưa ông, Việt Nam đã tham gia nhiều FTA và TPP, thị trường điều xuất khẩu sẽ có thay đổi gì, thưa ông?

- Rất may mắn cho Việt Nam là trong số 12 nước tham gia hiệp định TPP thì cả 12 nước đều là thị trường nhập khẩu hạt điều. Các đối tác tại Mỹ cho rằng, Hiệp định FTA làm lợi cho Việt Nam khoảng gần 0,7USD/1kg và quan trọng hơn là làm cho khả năng cạnh tranh giữa hạt điều Việt Nam và Ấn Độ xích lại gần hơn.

Tuy vậy, trong tương lai gần, thị trường nội địa Việt Nam không chỉ là sân chơi dành riêng cho các doanh nghiệp điều nội mà hiện một số tập đoàn lớn của Úc, Thái Lan, Hàn Quốc cũng đang hợp tác đầu tư vào chế biến sâu trong ngành điều. Do đó, khi mình không đẩy mạnh chế biến sâu thì chắc chắn bài học nhãn tiền như vậy sẽ xảy ra.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Nguyễn Thành (Diễn đàn doanh nghiệp) thực hiện

Bài viết này được đăng tải lúc .

Bình luận

  • avatar

    wifp8li4py
    .
    Hi there!

Để lại bình luận